Tắm cho bé là một việc rất cần thiết mà bố mẹ nên làm hàng ngày, bởi tắm không chỉ giúp bé sạch sẽ thoải mái mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của bé tốt hơn. Thế nhưng, việc tắm lại phản tác dụng nặng nề nếu như mẹ cho bé tắm vào các trường hợp sau.
Mục lục
Trường hợp bé bú no
Việc tắm ngay sau khi cho trẻ bú sẽ làm cho các mạch máu giãn nở, lưu lượng máu đổ vào da nhiều hơn, lượng máu cung ứng ở khoang bụng lúc này cũng sẽ giảm đi tương đối và làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của trẻ. Không chỉ vậy, việc cho bé bú no sẽ làm dạ dày nở to ra nên rất dễ bị nôn trớ khi mẹ cho bé tắm. Chính vì vậy, để tránh tình trạng trên mẹ nên tắm cho bé sau 1, 2 tiếng khi bé bú xong là thích hợp nhất.
Trường hợp bé đói
Theo nghiên cứu, khi đang bé đang đói mẹ không nên tắm cho bé ngay, bởi trong phòng tắm nhiệt độ tương đối cao, nên việc tiếp xúc với nước nóng sẽ làm mạch máu ở da căng lên, đó là chưa kể mồ hôi ra nhiều làm lượng tản nhiệt lớn khiến cho năng lượng tiêu hao nhiều dễ làm lượng đường trong máu thấp xuống gây chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, tay run, thậm chí còn làm hạ huyết áp và gây đột quỵ cho bé.
Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý không nên tắm đêm cho bé, việc này sẽ khiến cho các tĩnh mạch giãn ra, hạ huyết áp dẫn đến bé sẽ bị huyết áp thấp có thể dẫn đến thiếu máu não, gây hôn mê nên mẹ cần chú ý kể cả là cho bé tắm nước nóng cũng không nên nhé.
Trường hợp bé sốt quá cao
Khi bé bị sốt cao, việc tiếp xúc với nước sẽ khiến trẻ bị ớn lạnh, co giật, thậm chí còn khiến cho nhiệt độ cơ thể bé tăng cao hơn do các lỗ chân lông của trẻ bị co lại vì tiếp xúc với nước. Hơn nữa, hành động này còn có thể làm cho huyết quản, mao mạch da toàn thân nở to, xung huyết làm cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể trẻ cung cấp máu không đủ.
Ngoài ra, sau khi bé vừa mới hạ sốt mẹ cũng không nên tắm ngay cho bé bởi sức đề kháng của trẻ lúc này còn rất yếu nên có thể dễ bị phong hàn dẫn đến sốt tái phát hoặc sốt nặng hơn. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe an toàn cho bé thì mẹ nên để trẻ đỡ sốt sau 48 tiếng mới được tắm cho bé nhé.
Trường hợp bé mới tiêm chủng
Trẻ sẽ bị hiện tượng như sưng, tấy đỏ, đơ cứng ở da nếu như mẹ cho bé tắm ngay sau khi tiêm phòng, bởi khi bé mới tiêm xong, lỗ tiêm tiếp xúc với nguồn nước không sạch sẽ tạo điều kiện cho chất bẩn len lỏi vào bên trong làm da bé bị các phản ứng sưng tấy, rất khó phân biệt được nguyên nhân xảy ra. Do vậy, mẹ tuyệt đối không nên tắm ngay sau khi mới tiêm chủng cho bé nhé.
Trường hợp da bé bị tổn thương
Mẹ không nên cho bé đi tắm khi phát hiện da bé bị tổn thương như sưng, bỏng, chấn thương hở da, chốc lở, nhọt… bởi điều này sẽ khiến cho vết thương trên da của bé có thể lan rộng khi gặp nước, thậm chí da bé có thể bị nhiễm trùng nếu nguồn nước bé tiếp xúc không được sạch.
Trường hợp bé bị nhẹ cân, sinh non
Bé nhẹ cân, sinh non dưới 2,5kg đều có cơ thể rất yếu đuối, mong manh, chất béo dưới da mỏng, chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể kém nên rất nhạy cảm với sự biến động nhiệt độ của môi trường … Do vậy, mẹ cần phải thật lưu ý và thận trọng trong việc tắm cho bé, nhiệt độ xung quanh thích hợp mẹ có thể tắm cho bé là 26 – 28 độ C, nhiệt độ nước là 37 – 40 độ C.
Trường hợp bé bị nôn mửa, tiêu chảy
Nếu bé bị nôn mửa hoặc tiêu chảy thì mẹ không nên tắm cho bé, bởi khi tắm bé sẽ bị dịch chuyển liên tục nên sẽ cảm thấy buồn nôn hơn. Vì vậy, khi gặp trường hợp này cách tốt nhất là mẹ nên để cho bé nằm yên một chỗ nghỉ ngơi và chăm sóc trẻ đến khi bé hết buồn nôn hoàn toàn mới tắm cho trẻ để bảo vệ sức khỏe tốt cho bé yêu nhà mình nhé.
Hồng Trà (t/h)