Ngứa da khi mang thai của mẹ bầu là một hiện tượng khá phổ biến và hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ.
Dưới đây mời các bạn cùng tìm hiểu một số nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngứa da khi mang thai để phòng ngừa và khắc phục nhé!
1. Nguyên nhân gây ra ngứa da khi mang thai
– Sự tăng trưởng tử cung: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu bị ngứa khi mang thai, sự tăng trưởng của tử cung khiến da mẹ bị co dãn, khô và trở nên khó chịu, ngứa ngáy.
– Phát ban: Sự thay đổi của hormone ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, trong đó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể mẹ bầu khiến da mẹ bầu nổi rôm, phát ban, tạo nếp gấp gây ngứa ngáy, khó chịu.
– Mụn rộp: Thông thường, khi mang thai các mẹ bầu thường gặp phải chứng pemphigoid hay còn gọi là mụn rộp thời kỳ thai nghén. Tình trạng này khiến mẹ bầu thường bị ngứa mề đay.
– Nhiễm nấm men: Một số mẹ bầu có thể bị nhiễm nấm men ở âm đạo trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi độ pH của âm đạo hoặc do các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm vi sinh và gây ngứa.
2. Giải pháp khắc phục tình trạng ngứa da
Để hạn chế tình trạng ngứa da trong thời kỳ mang thai mẹ bầu có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây hoặc tham khảo lời khuyên các bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và có sự điều trị phù hợp, an toàn:
– Không tắm nước quá nóng: Việc tắm nước quá nóng có thể khiến da mẹ bầu bị khô hơn. Vì vậy, mẹ bầu chỉ nên tắm nước ấm vừa, khi tắm cho thêm vài giọt dầu dừa, dầu ooliu hoặc các sản phẩm từ yến mạch thay cho các loại sữa tắm có tính chất tẩy rửa cao để giúp da giữ ẩm, làm dịu cơn ngứa.
– Dùng kem dưỡng ẩm: Là một biện pháp khá hiệu quả trong việc giúp da mẹ bầu được mềm mại, mịn màng và ít bị ngứa ngáy hơn. Thoa kem dưỡng ấm còn giúp da hấp thụ nhiều độ ẩm, giữ nước cho da. Do đó, mẹ bầu nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm có nguồn gốc tự nhiên như kem dưỡng ẩm từ nha đam, bơ, ca cao… để bôi lên các vùng da bị ảnh hưởng, nhất là vùng bụng, các nếp gấp ở tay, đùi…
– Mặc đồ thoáng mát: Mặc các quần áo rộng rãi, bằng chất liệu cotton giúp cho mồ hôi được thấm hút dễ dàng và giảm ngứa cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, mẹ nên tránh các sản phẩm bằng chất liệu tổng hợp như polyester vì khó thoát mồ hôi và gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
– Giữ vùng kín sạch sẽ: Điều quan trọng để mẹ bầu giảm ngứa ngáy vùng âm đạo đó chính là vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày và mặc loại quần lót bằng cotton để vùng kín sạch sẽ và thoáng mát. Mẹ bầu cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ để loại trừ viêm âm đạo và điều trị kịp thời nếu có bệnh.
– Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp mẹ bầu duy trì được độ ẩm cho cơ thể và giảm cảm giác khô ráp, ngứa ngáy. Do đó, mỗi ngày mẹ bầu cần uống ít nhất 2 lít nước kết hợp với có chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý.
– Xoa bột không mùi: Trong thời kỳ mang thai nếu mẹ bầu bị mụn nhỏ PUPP, mẹ nên xoa bột không mùi lên những nếp gấp vùng dưới ngực, giữa đùi để giúp giảm sự kích ứng cho da.
Nhật Hạ