Là bố mẹ, ai cũng mong muốn con mình có được sự phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn trí tuệ. Và quá trình để phát triển trí tuệ cho bé thật sự khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với việc kích thích sự phát triển về mặt thể chất. Vậy phương pháp dạy trẻ thông minh sớm là gì?
Bây giờ chúng ta hãy cùng xem một vài lời khuyên của các chuyên gia về vấn đề này nhé!
Mục lục
1. Dạy trẻ vận động thật nhiều
Ở giai đoạn sơ sinh dưới 1 năm, các bé chưa di chuyển được nhưng mẹ có thể tạo cho bé thói quen vận động bằng cách thường xuyên xoa bóp, tập duỗi – co chân, tay cho bé, khi bé biết bò, các mẹ cũng nên khuyến khích trẻ bò nhiều hơn. Không nên vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà luôn ẵm hoặc để bé ngồi trong cũi, xe đẩy hoặc ô tô… Những hành động đó vô tình làm mất khả năng di chuyển, sự tò mò và thích thú khám phá thế giới xung quanh ở trẻ.
Còn khi các bé đã biết đi, chạy, nhảy thì mẹ cũng nên tạo điều kiện cho các bé vận động thường xuyên bằng cách chạy bộ, đi bơi, chơi thể thao…
Gia đoạn khi bắt đầu biết đi, các bé thường hay tò mò, hiếu động mẹ cũng nên để bé tự do vận động dưới sự quan sát cẩn thận của người lớn.
Những phương pháp vận động cho trẻ như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp… không chỉ giúp các bé có được sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch mà còn có tác dụng giúp trí não bé phát triển, nâng cao sự hiểu biết cho bé về các hiện tượng sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.
2. Giao tiếp nhiều với trẻ
Mẹ có thể giao tiếp với trẻ thông qua nhiều việc khác nhau như đọc sách cho con, cùng bé nấu ăn, chăm sóc cây cảnh, chơi cùng con… Việc vừa làm, vừa chơi, vừa nói chuyện với trẻ mẹ có thể chỉ cho bé biết thêm nhiều thứ xung quanh.
Chẳng hạn như khi đọc sách cho bé, mẹ có thể vừa đọc vừa giải thích cho bé về nội dung, diễn biến câu chuyện…
Cần lưu ý rằng, việc giao tiếp với ngay cả trẻ sơ sinh cũng có tác dụng nâng cao nhận thức, hiểu biết về thế giới xung quanh cho trẻ. Có thể ban đầu sẽ thấy trẻ không phản ứng nhiều nhưng nếu duy trì việc giao tiếp thường xuyên với trẻ mẹ sẽ nhận ra sự khác biệt rõ ràng.
Thêm vào đó việc giao tiếp nhiều với trẻ cũng giúp mẹ có điều kiện để quan sát những thay đổi về thói quen, hành vi và suy nghĩ của trẻ. Từ đó, có những điều chỉnh sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
3. Chọn đồ chơi kích thích sự phát triển trí tuệ
Những món đồ chơi tư duy tạo điều kiện cho bé có cơ hội rèn luyện trí não và thể hiện năng lực của bản thân mình một cách tốt nhất, giúp có tư duy logic, khoa học ngay từ khi còn bé.
Ngoài ra, nhờ các trò chơi tư duy các bé cũng sẽ tự tin hơn, có khả năng phản ứng và giải quyết vấn đề một cách nhanh nhạy.
Những trò chơi có thể giúp cho bé thông minh sớm bao gồm: xếp hình, lắp ghép, phân biệt sự khác nhau giữa các bức tranh, vẽ tranh, xé dán giấy…
4 .Dạy trẻ một ngôn ngữ mới
Thông thường nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ rằng trẻ sơ sinh thì chưa biết gì và cũng chưa có khả năng để học một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, đây là giai đoạn não bé còn chưa bị phân tán từ nhiều nguồn thông tin nên rất dễ tiếp thu và làm nền tảng cho khả năng học ngoại ngữ sau này của các bé.
Giai đoạn 2 – 3 tuổi được xem là thời điểm lý tưởng nhất để mẹ dạy 1 – 2 ngôn ngữ mới cho bé. Bởi vì lúc này trong quá trình học bé đã có khả năng tương tác bằng cách nghe, nói, đọc cùng mẹ, khả năng bắt chước của các bé trong giai đoạn này cũng rất tốt tạo điều kiện cho các bé học dễ dàng hơn. Theo các nghiên cứu, việc học ngôn ngữ mới giúp bé có khả năng tư duy, liên kết vấn đề, đặc biệt khả năng giao tiếp của bé cũng được cải thiện đáng kể.
Hoàng Hà