Xe không chính chủ chưa bị phạt
Tại buổi họp báo chiều 12/11, Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho biết, sau 3 ngày thực hiện Nghị định 71, Bộ Công an đã thông báo hướng dẫn đến các địa phương, chưa áp dụng phạt lỗi vi phạm đối với chủ phương tiện không sang tên đổi chủ.
Về việc triển khai thực hiện Nghị định 71 trong 3 ngày qua từ ngày 10/11 đến thời điểm hiện tại chưa có 1 trường hợp nào bị xử lý về hành vi chưa sang tên đổi chủ.
Xem thêm: thuê xe
Chủ trì buổi họp báo, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị – Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thông báo, Cơ quan này vừa gửi Công điện 141 đến tất cả Công an các tỉnh thành trên toàn quốc hướng dẫn việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Theo đó, trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, khi lực lượng CSGT phát hiện trường hợp có bằng lái xe và đăng ký xe khác tên, nếu người dân nói rằng phương tiện đi mượn, đi thuê hoặc được ủy quyền thì chưa tiến hành xử phạt với hành vi này.
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị – Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: ” Sau 3 ngày thực hiện Nghị định 71, Bộ Công an chưa phạt lỗi một trường hợp nào về xe lưu thông mà chưa sang tên đổi chủ”.
Thiếu tướng Nghị cũng khẳng định hiện chưa có một quy định nào bắt buộc người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy từ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…để chứng minh phương tiện mình đang điều khiển là mượn hoặc thuê.
Tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Bởi quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước là việc thực hiện sang tên đổi chủ bắt buộc sẽ phải thực hiện bởi chính lợi ích của nhà nước và của nhân dân.
Về phía quản lý nhà nước, việc sang tên đổi chủ phương tiện sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Việc đăng ký xe là xác nhận quyền sở hữu của chủ phương tiện. Khi có những sự việc liên quan đến phương tiện xảy ra, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy nguồn xử lý. Chẳng hạn như các trường hợp xử dụng phương tiện cướp giật, chở hàng lậu hoặc gây tai nạn, việc xác định chủ phương tiện để xử lý rất quan trọng.
Chủ phương tiện tiến hành sang tên đổi chủ qua đó cũng thực hiện nghĩa vụ công dân là thực hiện việc nộp lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, sang tên đổi chủ phương tiện cũng chính là đảm bảo lợi ích của mỗi công dân. Bởi nếu một người giao phương tiện cho người khác sử dụng khi gặp các hành vi vi phạm pháp luật thì chủ phương tiện vô tình cũng phải chịu chung trách nhiệm.
Nhiều chủ phương tiện đang “toát mồ hôi hột” khi lưu thông mà chưa sang tên đổi chủ, lỗi này theo quy định chủ phương tiện sẽ nộp phạt cao nhất 1 triệu đồng cho xe máy, 10 triệu đồng cho ô tô.
Việc thực hiện Nghị định 71 còn khiến người dân băn khoăn nhiều là thủ tục sang tên đổi chủ sau khi mua bán phương tiện. Bởi bên cạnh những trường hợp thông thường thì có nhiều trường hợp đã qua nhiều đời chủ. Đến người đang sử dụng phương tiện cũng không biết chủ xe ban đầu là ai trong khi chủ xe có thể đã chết hoặc chuyển sang sinh sống tại nước ngoài… gây rắc rối cho người sử dụng, điều khiển phương tiện.
Trong Thông tư 36 của Bộ Công an ngày 12/10/2010 quy định tại khoản 3 điều 20 đã có quy định việc sang tên đổi chủ phương tiện với xe qua nhiều đời chủ, không xác định được chủ trước đó… để người đang điều khiển phương tiện có thể tiến hành các thủ tục sang tên đổi chủ.
Một vấn đề được coi là “then chốt” khiến nhiều người dân không muốn tiến hành sang tên đổi chủ phương tiện mà trốn tránh là do lệ phí trước bạ quá cao. Đây đang là một thực tế mà các cơ quan chức năng đang tiến hành bàn thảo. Bộ Công an đã có kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Tài chính đang chủ trì bàn với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu đề nghị giảm lệ phí trước bạ đến mức thấp nhất tạo điều kiện khuyến khích người dân thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện.
Cũng theo Thiếu tướng Nghị, việc giảm lệ phí trước bạ như vậy sẽ vừa đảm bảo được cả lợi ích cho người dân và cho nhà nước. Bởi cứ như lệ phí trước bạ đang áp dụng hiện tại, dù có cao nhưng người dân không chịu thực hiện chuyển đổi thì nhà nước cũng sẽ không thu được gì. Còn nếu giảm lệ phí trước bạ xuống mức thấp nhất, đông đảo người dân tự động thực hiện, nhà nước sẽ vừa thu được thuế lại vừa góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt: ” Mục tiêu của Nghị định 71 là nhằm tăng cường ý thức chấp hành tốt luật lệ giao thông của người dân”.
Liên quan đến việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần với các hành vi đua xe trái phép, uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm… trong Nghị định 71, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt khẳng định: “Mục tiêu việc tăng mức phạt trong Nghị định 71 là để tăng ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Mức phạt cao sẽ làm tăng trách nhiệm của người tham gia giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông chứ không hề có mục đích tăng thu cho Nhà nước”.
Dư luận cho rằng, Nghị định 71 còn tồn tại một số bất cập như: Khi việc mua bán phương tiện ngoài 30 ngày chưa tiến hành sang tên đổi chủ thì sẽ bị áp dụng mức phạt theo quy định. Tuy nhiên, sau khi áp dụng Nghị định 71, nếu như các chủ phương tiện tự giác đến các cơ quan chức năng tiến hành sang tên đổi chủ mà vẫn bị áp dụng xử phạt thì “oan”.
Cùng với việc các chủ phương tiện lách luật “trốn” làm thủ tục sang tên đổi chủ bằng giấy ủy quyền sử dụng phương tiện thì Nghị định 71 cũng bị “bó tay”.
Theo Dantri.com.vn