Gần đây trong giới trẻ dấy lên phong trào hút thuốc lá điện tử. Đây là loại thuốc lá du nhập vào Việt Nam khá lâu và được rao bán tương đối công khai. Nhiều người đã sử dụng nó để thay thế cho thuốc lá thông thường. Thậm chí, sử dụng với tần suất cao và không thể rời loại thuốc lá điện tử này.
Theo tìm hiểu, thuốc lá điện tử được rao bán đầy rẫy trên các trang điện tử mua bán, rao vặt và được quảng cáo với những lợi ích khá “kêu” như: Sử dụng tinh dầu chứa chất nicotine sạch (không có các chất gây bệnh), tạo cảm giác như đang hút thuốc lá thật mà không hề khó chịu, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh… Sản phẩm này đang được bán rộng rãi trên toàn thế giới và phát triển mạnh ở các nước châu Âu.
Anh Nguyễn Quang N (nhà ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Trước khi chuyển sang hút thuốc lá điện tử, tôi nghiện hút thuốc gần 10 năm. Sau khi nghe lời bạn bè chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử như một giải pháp thay thế thì tôi hoàn toàn bỏ được thuốc lá”.
Lần theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Quang N, tôi đã liên hệ với số máy 0988.218… trên trang web www.thuoc-la…com và được nhân viên của trang này giới thiệu một loại thuốc lá điện tử có hình dạng như cây bút với giá 1.600.000đ/hộp bao gồm một lọ tinh dầu trị giá 120.000đ.
Nhân viên này cho hay, thuốc lá điện tử đang rất được ưa chuộng bởi tính tiện dụng và kín đáo của nó. Thêm vào đó, loại thuốc lá này có mùi thơm dịu, không hề gây khó chịu cho người xung quanh, đặc biệt cơ chế hoạt động của loại này cũng rất đơn giản, chỉ cần sử dụng pin để hâm nóng dung dịch lỏng (tinh dầu) chứa chất nicotine sạch (không có các chất gây bệnh) qua cơ chế buồng đốt (automizer) để tạo hơi sương giống như khói thuốc lá thông thường. Khi hết pin có thể sạc và khi hết tinh dầu có thể tìm mua với giá phổ biến 120.000đ/lọ.
Lợi bất cập hại
Tuy được mua bán tràn lan trên thị trường nhưng một thực tế hiện nay là nhiều tổ chức y tế uy tín lại khẳng định thuốc lá điện tử không an toàn hơn thuốc lá thường, thậm chí còn chứa lượng nicotin gây hại cho tim mạch tương đương thuốc thật và chứa chất diethylene glycol – rất độc hại được sử dụng trong chất chống đông.
Mang vấn đề này trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về y tế trong nước, chúng tôi được biết: Về cơ chế hoạt động, khi hút nicotin vào phổi dù thông qua thuốc lá điện tử hay thuốc thật vẫn gây nghiện và nguy hại cho tim mạch như nhau.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá (thuộc tổ chức y tế thế giới WHO) cho biết: “Công dụng thực hư của thuốc lá điện tử thế nào, cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng. Trên thực tế, chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào chứng minh được nó có tác dụng cai thuốc, có thể nó gây tò mò cho giới trẻ sử dụng như một cái mốt. Nhiều nơi trên thế giới có khuyến cáo rằng chưa nên sử dụng thuốc lá điện tử”.
Từ những nhận định của mình, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm khuyên người tiêu dùng nên sáng suốt lựa chọn cho mình hình thức cai nghiện thuốc lá phù hợp. Cách tốt nhất, an toàn nhất vẫn là ở sự cố gắng nỗ lực của bản thân.
Bán thuốc lá điện tử ở Việt Nam là phạm pháp
Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã cấm buôn bán sử dụng thuốc lá điện tử bởi chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được lợi ích của loại thuốc này.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Văn phòng luật sư Hồng Bách và cộng sự (đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định: “Theo quy định hiện hành thì thuốc lá điện tử hiện nay chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện nay, loại thuốc này vào Việt Nam chủ yếu qua con đường xách tay và nhập lậu. Vì vậy, việc mua bán thuốc lá điện tử ở nước ta hiện nay là trái quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng: “Nếu chiếu theo quy định số 119/2007 NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá, nếu áp dụng khái niệm thuốc lá theo khoản 3 điều 4 của nghị định này thì thuốc lá điện tử không thuộc danh mục được coi là thuốc lá – đây chính là lỗ hổng về quy định của pháp luật”.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Y tế) cho biết: “Hiện tại nhiều nước đã cấm sử dụng sản phẩm này, đặc biệt là cấm sử dụng trong trường học. Tại Việt Nam hiện nó chưa được phép lưu hành nhưng cũng như chưa có khuyến cáo đây là sản phẩm có tác dụng cai thuốc. Mặc dù vậy, giống như khó khăn khi triển khai các quy định cấm thuốc lá trong nước, sản phẩm này được bán theo diện xách tay, trôi nổi không đăng ký hay có địa chỉ giao dịch mà chỉ trao tay nên việc kiểm soát, quản lý chắc chắn gặp nhiều trở ngại. Vì vậy người dân nên tự có ý thức bảo vệ mình và tránh tiếp xúc, ảnh hưởng bởi các sản phẩm chưa được phép và chưa có kiểm định”.
Việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng chưa được phép nhập khẩu tại Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, từ thực tế trên có thể thấy rằng, việc sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc vẫn phải cần thời gian để các cơ quan chuyên môn thẩm định tác dụng của nó. Bên cạnh đó, cũng rất cần các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công thương vào cuộc để có những quy định cụ thể hơn về mặt hàng này.
Khoản 3 điều 4 nghị định 119/2007 NĐ-CP ghi rõ: Sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi. |
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo đó, vi phạm hút thuốc lá tại điểm cấm, bỏ tàn thuốc không đúng nơi quy định sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương, quản lý thị trường, công an và UBND các cấp là các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt hành chính các vi phạm. Các địa điểm cấm hút thuốc nơi công cộng gồm: nhà ga, bệnh viện, bến xe, trường học, trung tâm thương mại, nhà chờ xe buýt, công viên giải trí… |